Dùng để đăng ngay
LÀO CAI, ngày 30/10/2013 -- Cơ sở điều trị methadone xã hội hóa thứ hai của Việt Nam, nơi người sử dụng ma túy và chính phủ cùng chia sẻ chi phí điều trị, hôm nay chính thức khai trương tại Lào Cai với hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Cơ sở điều trị này là sự tiếp nối thành công của cơ sở điều trị methadone xã hội hóa đầu tiên được mở tại Hải Phòng cách đây hai năm.
Mô hình chia sẻ chi phí này tạo cơ hội để người sử dụng ma túy được sử dụng dịch vụ điều trị có chất lượng với chi phí thấp nhất. Theo mô hình này, chi phí điều trị bằng methadone sẽ được chia sẻ giữa chính phủ và người sử dụng ma túy. USAID hỗ trợ cung cấp thuốc methadone và hỗ trợ kỹ thuật cho cơ sở điều trị.
“Việc khai trương cơ sở điều trị thay thế bằng methadone xã hội hóa tại Lào Cai thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền tỉnh nhằm ứng phó hiệu quả với đại dịch ma túy và nguy cơ HIV tại Lào Cai. Điều trị thay thế bằng methadone giúp người sử dụng ma túy quay trở lại cuộc sống bình thường, giảm nguy cơ lây truyền HIV và đem đến hy vọng cho các gia đình”, ông Christopher Detwiler, Điều phối viên Chương trình PEPFAR tại Việt Nam, phát biểu tại lễ khai trương. “Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Y tế và cơ quan công an tỉnh Lào Cai xứng đáng được biểu dương vì đã đem đến sự cải thiện sáng tạo này cho sức khỏe và hạnh phúc của người dân trong tỉnh”.
Với nguồn tài trợ từ các nhà tài trợ cho các chương trình HIV đang giảm dần, Việt Nam đang tìm kiếm các giải pháp mới để có kinh phí cho các hoạt động dự phòng quan trọng, chẳng hạn như điều trị bằng methadone. Mô hình điều trị trong đó sở y tế các địa phương, USAID trong khuôn khổ Kế hoạch Hỗ trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR), và bệnh nhân cùng chia sẻ chi phí sẽ tạo ra một hướng đi mới bền vững và dựa vào cộng đồng cho các dịch vụ điều trị lạm dụng ma túy.
“Điều thị methadone xã hội hóa là một giải pháp phù hợp với điều kiện kinh tế hiện tại của Lào Cai và sẽ đảm bảo được tính bền vững của chương trình”, bà Hà Thu Nga, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai phát biểu. “Chúng tôi đánh giá cao hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ tài chính từ chương trình PEPFAR và hỗ trợ kỹ thuật từ dự án do USAID tài trợ”
Cơ sở điều trị methadone mới mở tại Lào Cai, nơi ước tính có 40% số người nghiện chích ma túy có HIV dương tính, có thể điều trị cho 300 bệnh nhân phụ thuộc heroin và cung cấp dịch vụ điều trị và liên kết với các cơ sở chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Hiện nay, Việt Nam có 72 cơ sở điều trị methadone tại 27 tỉnh thành, cung cấp dịch vụ điều trị cho gần 15.000 người nghiện chích ma túy.
PEPFAR thông qua USAID đã tích cực tài trợ sáng kiến điều trị thay thế ma túy bằng methadone tại Việt Nam kể từ năm 2008 và sẽ tiếp tục cam kết giúp hạn chế lây truyền HIV và các bệnh liên quan trong nhóm người sử dụng ma túy, giảm thiểu sự lệ thuộc vào ma túy và hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng tại Việt Nam. Kể từ năm 2004, chương trình PEPFAR đã cung cấp trên 575 triệu đô la hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong việc phòng chống, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.