Đại sứ quán Hoa Kỳ nâng cao năng lực cho cán bộ làm việc tại khu vực Hạ lưu sông Mê Kông

Đoàn viên chức Chính phủ Hoa Kỳ tham dự hội thảo tại Hà Nội.
Đoàn viên chức Chính phủ Hoa Kỳ tham dự hội thảo tại Hà Nội.
USAID

Dùng để đăng ngay

Thứ Năm, Tháng mười một 29, 2012
USAID/Vietnam
(84-4) 3935-1260

Hà Nội, ngày 29/11/2012 -- Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức hội thảo dành cho ba mươi mốt cựu thành viên các chương trình trao đổi của Chính phủ Hoa Kỳ với chủ đề: "Hợp tác vì một Tương lai Bền vững" từ ngày 29 tháng 11 đến ngày 1 tháng 12 năm 2012. Đại biểu tham dự hội thảo bao gồm các viên chức chính phủ, lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ và các nhà nghiên cứu từ các nước thuộc khu vực Hạ lưu sông Mê Kông, bao gồm: Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan, My-an-ma và Việt Nam.

Trong ba ngày hội thảo, các đại biểu sẽ cùng trao đổi và tìm hiểu về cách xây dựng kịch bản và hoạch định chiến lược, trao đổi kinh nghiệm trong ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu của hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những chương trình hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông (viết tắt là LMI), đồng thời nâng cao năng lực của các chuyên viên liên quan nhằm thúc đẩy sự trao đổi cởi mở và thẳng thắn giữa các nước thành viên nhằm tìm kiếm giải pháp cho phát triển bền vững của mỗi quốc gia và khu vực hạ lưu sông Mê Kông.

Phát biểu tại lễ khai mạc ngày 29 tháng 11, Phó Đại sứ Hoa Kỳ Claire Pierangelo cho biết: "Lãnh đạo các nước thành viên đã có những cuộc gặp mặt thường xuyên để thảo luận về chiến lược phát triển cho khu vực Hạ lưu sông Mê Kông. Và để hiện thực hoá được những ước mơ đó, các nước thuộc khu vực hạ lưu Mê Kông sẽ cần những nhà lãnh đạo tận tuỵ, và nguồn nhân lực cao ở mọi cấp độ và lĩnh vực. Tôi cũng tin tưởng rằng chúng ta cần xây dựng mối liên kết giữa nhân dân các nước để có thể phát triển sự hợp tác bền vững trong khu vực." Cũng phát biểu tại hội thảo, Giám đốc của Tổ chức Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, ông Joakim Parker nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác giữa các nước hạ lưu sông Mê Kông và chia sẻ về kế hoạch của USAID để hỗ trợ các quốc gia trong khu vực này.

Vào ngày 30 tháng 11 năm 2012, một triển lãm bên lề hội thảo mang tên: "Cầu nối Tri thức Khu vực Hạ lưu sông Mê Kông" sẽ mở cửa cho công chúng tại Khách sạn InterContinental Hà Nội từ 8:00 - 12:00 sáng. Triển lãm sẽ trưng bày 31 áp phích về những kinh nghiệm tốt và dự án hợp tác đang diễn ra trong khu vực Hạ lưu sông Mê Kông. Khách thăm quan sẽ được tìm hiểu về những phương thức hợp tác song phương từ các chuyên gia và có cơ hội nhận được nhiều phần thưởng khi tham gia đố vui có phần thưởng với chủ đề môi trường và các quốc gia trong khu vực.

Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông (LMI) được khởi xướng sau cuộc họp cấp cao ngày 23 tháng 7 năm 2009 giữa Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Hillary Clinton và các Bộ trưởng Ngoại giao của các nước khu vực Hạ lưu sông Mê Kông - Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam - tại Phuket, Thái Lan. Tại Cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa Hoa Kỳ và các nước Hạ lưu sông Mê Kông lần đầu tiên này, các Bộ trưởng đã thống nhất việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực môi trường, y tế, giáo dục và phát triển cơ sở hạ tầng. Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông nhấn mạnh tầm quan trọng của khu vực Hạ lưu sông Mê Kông nói riêng đối với Hoa Kỳ và cam kết của Hoa Kỳ đối với việc củng cố hoà bình và thịnh vượng tại khu vực ASEAN nói chung. My-an-ma chính thức tham gia vào Sáng kiến vào tháng 7 năm 2012.

Hướng về tương lai, Chính phủ Hoa Kỳ đã cam kết những nguồn lực lớn dành cho Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông trong 3 năm tới thông qua Sáng kiến Liên kết Chiến lược Châu Á Thái Bình Dương (Asia Pacific Strategic Engagement Initiative (APSEI). Những nguồn lực này sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên của Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông trong nỗ lực hướng tới hội nhập kinh tế và chính trị, đồng thời rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các quốc gia trong khối ASEAN về lâu dài.

Để có thêm thông tin về Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông, xin vui lòng truy cập:http://lowermekong.org/About