Khởi động dịch vụ tự xét nghiệm HIV tại Việt Nam

Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và phu quân Clayton Bond cùng lãnh đạo Bộ Y tế tham gia tự xét nghiệm HIV.
Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius và phu quân Clayton Bond cùng lãnh đạo Bộ Y tế tham gia tự xét nghiệm HIV.
USAID/Vietnam

Dùng để đăng ngay

Thứ Sáu, August 26, 2016

Tự xét nghiệm HIV là một chiến lược mới nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ HIV và thúc đẩy đạt được mục tiêu ‘90-90-90’[1] của Việt Nam.

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH, 26/8/2016 – Hôm nay, lãnh đạo và cán bộ cao cấp của Bộ Y tế, Đại sứ quán Hoa Kỳ, lãnh đạo địa phương và các nhóm cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực HIV, cũng như các nghệ sĩ nổi tiếng đã có mặt tại sự kiện khởi động dịch vụ tự xét nghiệm HIV - dịch vụ lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một xu hướng mới ở Việt Nam để từ đây những người bị ảnh hưởng bởi HIV có thêm lựa chọn tự xét nghiệm HIV cho mình một cách riêng tư và bảo mật. Bằng cách đó, họ chính là người đầu tiên biết kết quả xét nghiệm ban đầu của mình.

Dịch vụ tự xét nghiệm HIV hứa hẹn sẽ giúp tăng đáng kể tỉ lệ xét nghiệm HIV trong cộng đồng những người có nguy cơ lây nhiễm, đặc biệt là những người vẫn đang còn ngần ngại sử dụng dịch vụ xét nghiệm tại các cơ sở y tế. Tâm lý e ngại sự kỳ thị và thiếu tính bảo mật là những lí do chính cản trở việc xét nghiệm HIV của họ.  Tuy nhiên, hình thức xét nghiệm mới này sẽ có thể làm thay đổi điều này. “Tự xét nghiệm HIV là bước tiến mới trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV và bình thường hóa nó giống như các xét nghiệm chẩn đoán nhanh (dùng cho bệnh tiểu đường hay thử thai) được bán rộng rãi tại các nhà thuốc. Điều này có thể giúp Việt Nam đạt được mục tiêu 90-90-90 nhờ tiếp cận được những người chưa xét nghiệm và đưa những người phát hiện nhiễm HIV vào điều trị” - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC) –TS. BS. Nguyễn Hoàng Long phát biểu.

Từ tháng 10/2015, dự án Healthy Markets do Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) tài trợ thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và do tổ chức PATH thực hiện, đã phối hợp với Bộ Y tế thí điểm dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng dành cho các nhóm nguy cơ trong đó bao gồm tự xét nghiệm HIV được cung cấp tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội. “Hôm nay, dự án hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ chúng ta khởi động dịch vụ tự xét nghiệm HIV, nhằm để người bệnh tự tay tiến hành xét nghiệm. Việc xét nghiệm HIV chưa bao giờ đơn giản đến thế với bộ tự xét nghiệm của dự án. Bất kể ai có nguy cơ đều có thể tự làm xét nghiệm để biết tình trạng HIV của mình một cách bí mật, riêng tư và an toàn", Đại sứ Hoa Kỳ, ông Ted Osius phát biểu tại lễ khởi động.

Bác sỹ Vũ Ngọc Bảo, Phó Giám đốc Dự án Healthy Markets, tổ chức PATH cho biết, kết quả ban đầu từ thí điểm dịch vụ tự xét nghiệm HIV rất khả quan. “Từ cuối tháng 5 đến nay đã có hơn 377 người tham gia tự xét nghiệm HIV, trong đó 7% có kết quả khẳng định dương tính với HIV và 100% số này đều đã tham gia điều trị.”           Kết quả từ mô hình thí điểm sẽ cung cấp thông tin cho việc xây dựng hướng dẫn quốc gia và có thể áp dụng cho những khu vực có gánh nặng HIV cao ở Việt Nam. Các tổ chức cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong nỗ lực đảm bảo hoạt động ứng phó với HIV/AIDS bền vững tại Việt Nam. Bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Xét nghiệm HIV tại cộng đồng và tự xét nghiệm đã thay đổi đáng kể vai trò của các tổ chức cộng đồng tại Tp. Hồ Chí Minh. Giờ đây, các tổ chức này đã trở thành những đối tác chính của chúng tôi trong hoạt động dự phòng và dịch vụ xét nghiệm HIV. Chương trình dự phòng lây nhiễm HIV của Tp. Hồ Chí Minh hoạt động hiệu quả hơn với sự đóng góp của các tổ chức này”.

Dịch vụ tự xét nghiệm HIV đang nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng các nhóm nguy cơ cao tại Việt Nam. Anh Lê Minh Thành, Giám đốc G-Link chia sẻ: “Chúng tôi rất mong đợi được cung cấp dịch vụ tự xét nghiệm HIV cho cộng đồng của mình. Chúng tôi rất hứng thú với cách tiếp cận này và tin rằng nó sẽ giúp tăng đáng kể tỉ lệ xét nghiệm HIV trong nhóm những người trước kia còn e ngại đi xét nghiệm.”

Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu 90-90-90 của Liên Hiệp quốc hướng tới kết thúc đại dịch HIV. Mặc dù Việt Nam đã giảm được số ca nhiễm HIV mới trong những năm gần đây, nhưng tỷ lệ xét nghiệm HIV hằng năm trong các nhóm nguy cơ cao vẫn còn thấp. Các nhóm này bao gồm những người tiêm chích ma tuý, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và người chuyển giới nữ.

Thông qua PEPFAR, Chính phủ Mỹ đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét; và các đối tác khác, trong đó có PATH, nhằm tiếp tục xây dựng kế hoạch ứng phó với HIV một cách bền vững trong bối cảnh Việt Nam dần dần gánh vác trách nhiệm nhiều hơn về tài chính và thực hiện các chương trình HIV và điều trị bằng thuốc ARV.   

Lễ khởi động dịch vụ tự xét nghiệm HIV được tổ chức bởi Bộ Y tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và tổ chức PATH.

Để xem ảnh sự kiện, truy cập:  https://flic.kr/s/aHskH78Htd

 

[1] Đến  năm 2020, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng của mình; 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị thuốc kháng vi-rút (ARV); và 90% người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định.