Dự án của USAID giúp tăng cường đối thoại chính sách về HIV/AIDS và tăng cường năng lực phòng chống HIV của Việt Nam

Các đại biểu thảo luận về môi trường chính sách liên quan đến HIV/AIDS tại Việt Nam.
Các đại biểu thảo luận về môi trường chính sách liên quan đến HIV/AIDS tại Việt Nam.
Nguyễn Thạc Phương/USAID

Dùng để đăng ngay

Thứ Tư, August 14, 2013

HÀ NỘI, ngày 14/8/2013 --  Dự án Sáng kiến Chính sách Y tế của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID/HPI) đã hỗ trợ khung pháp lý của Việt Nam và tập huấn cho cán bộ của trên 300 cơ quan nhà nước và tổ chức cộng đồng tại địa phương trong vòng 5 năm qua để họ có thể tham gia hiệu quả hơn vào quá trình đối thoại và vận động chính sách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ cho những người có nguy cơ hoặc chung sống với HIV.

“Dự án đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để xây dựng các chính sách liên quan đến HIV nhằm ứng phó hiệu quả hơn với đại dịch HIV/AIDS”, ông Joakim Parker, Giám đốc USAID Việt Nam, phát biểu tại hội thảo tổng kết dự án diễn ra ngày hôm nay. “Thách thức đối với tất cả các đối tác phát triển sẽ là phải tạo dựng được một môi trường chính sách dài hạn cho phép cung cấp các dịch vụ cứu sống dành cho những người chung sống với HIV”.

Dự án USAID/HPI được thực hiện trong 5 năm với tài trợ từ Kế hoạch Cứu trợ Khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR) và sẽ kết thúc trong tháng tới. Dự án USAID/HPI đã góp phần giúp sửa đổi và ban hành mới 13 chính sách và quy định về HIV/AIDS và các chính sách này đã đem lại những thay đổi tích cực. Ví dụ: Quá trình vận động chính sách của dự án USAID/HPI đã dẫn đến việc Chính phủ Việt Nam quyết định đóng cửa các trung tâm 05 (trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội dành cho người bán dâm). Đến nay, người bán dâm được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ dự phòng HIV quan trọng. Việt Nam cũng đang hướng đến việc điều trị cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng cho người sử dụng ma túy và đang mở rộng chương trình bao cao su trong dự phòng HIV cho những người bán dâm và khách hàng của họ.

Các cán bộ dự án USAID/HPI cũng đã tập huấn cho 65 nhóm tự lực của những người có HIV/AIDS nhằm giúp họ lãnh đạo và quản lý nhóm tốt hơn.

Bên cạnh đó, dự án cũng cung cấp các dịch vụ trợ giúp pháp lý có chất lượng liên quan đến HIV/AIDS cho hơn 5.000 người và hợp tác thành công với Chính phủ Việt Nam để chuyển đổi các dịch vụ trợ giúp pháp lý từ chỗ là các cơ sở trợ giúp đơn lẻ trở thành mô hình lồng ghép trong hệ thống trợ giúp pháp lý trên toàn quốc của Bộ Tư pháp.

Dự án đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện luật và chính sách trong các lĩnh vực điều trị nghiện ma túy, dự phòng HIV trong hoạt động mại dâm và vai trò của các tổ chức xã hội dân sự trong việc cung cấp các dịch vụ HIV/AIDS. Dự án cũng tập huấn và hỗ trợ các trung tâm phòng chống HIV của 10 tỉnh về sử dụng số liệu trong việc ra quyết định và lập kế hoạch chiến lược cho các chương trình HIV của tỉnh.

Chính phủ Hoa Kỳ thông qua chương trình PEPFAR đã tài trợ trên 500 triệu đô la kể từ năm 2005 để hỗ trợ phòng chống lây lan HIV tại Việt Nam và chăm sóc cho những người chung sống hoặc bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS và gia đình của họ.