Phụ nữ Việt Nam thực hiện được quyền về đất đai

Bà Nguyễn Thị Nhung tại căn nhà của mình ở Long An.
Bà Nguyễn Thị Nhung tại căn nhà của mình ở Long An.
ISDS
Tư vấn pháp luật giúp tăng quyền cho người sở hữu đất
"Giờ tôi rất vui vì các chị của tôi đều đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất."

Tháng 4/2016 -- Bà Nguyễn Thị Nhung, 52 tuổi, là một nông dân tại Long An, một tỉnh miền nam thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Khi bố bà qua đời năm 2014, bà muốn chia cho bốn người chị gái của mình mỗi người một phần đất canh tác. Do bà là người duy nhất đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cả phần đất ở và đất canh tác của bố mẹ nên bà có toàn quyền quyết định chia đất cho các chị em gái.

“Tôi muốn chia đất cho mấy chị nhưng không biết các giấy tờ và thủ tục yêu cầu như thế nào. Tôi cũng không biết phải tìm thông tin ở đâu,” bà tâm sự.

Trường hợp của bà Nhung không phải là cá biệt. Những cải cách tại Việt Nam vào cuối những năm 1990 đã đem đến những thay đổi có ý nghĩa về chính sách pháp luật liên quan đến quyền về đất đai, tuy nhiên việc thực thi vẫn còn chậm do nhận thức của người dân chưa cao và do thiếu các nguồn lực ở cấp tỉnh để thực thi các quyền về tài sản của phụ nữ.

Năm 2014, Dự án Tăng cường Tiếp cận Đất đai cho Phụ nữ của USAID đã tiến hành khảo sát các cặp vợ chồng, cán bộ chính quyền và các tổ chức tại địa phương tại các tỉnh miền bắc và miền nam. Kết quả cho thấy phụ nữ có ít thông tin hơn so với nam giới về việc tiếp cận đất đai. Ví dụ, chưa đầy 50% phụ nữ được hỏi biết các thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc thiếu các kiến thức pháp luật là một rào cản lớn đối với tiếp cận đất đai của nông dân.

Để giúp khắc phục tình trạng này, dự án đã huy động và tập huấn được 60 tình nguyện viên cộng đồng về bình đẳng giới tại 4 xã thuộc Long An và Hưng Yên. Các tình nguyện viên này hiện đang tích cực thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức về các quyền về đất đai. Họ cũng tư vấn pháp lý cho người dân trong xã, giúp giảm bớt tranh chấp đất đai và giúp chuyển gửi các trường hợp đến các cơ quan có thẩm quyền.

Một tình nguyện viên được dự án tập huấn đã đến tư vấn cho bà Nhung về pháp luật đất đai của Việt Nam và hướng dẫn cách giải quyết việc chia đất mà bà muốn làm. Sau ba lần tư vấn, bà Nhung đã hoàn thành toàn bộ các thủ tục hành chính về việc chia tách đất cho các chị của mình.

“Nếu không có sự giúp đỡ của tình nguyện viên thì tôi đã không thể hoàn thành các thủ tục yêu cầu,” bà cho biết. “Giờ tôi rất vui vì các chị của tôi đều đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”

Dự án Tăng cường Tiếp cận Đất đai cho Phụ nữ do Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ Quốc tế (ICRW) và Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) thực hiện trong 2 năm và sẽ kết thúc vào tháng 8/2016. Dự án có mục tiêu giúp tăng quyền cho người nông dân, đặc biệt là nữ nông dân, thông qua việc tăng cường tiếp cận đất đai nhờ nâng cao nhận thức về các quyền đất đai trong các chính sách và pháp luật hiện hành. Tính đến cuối tháng 9/2015, các tình nguyện viên của dự án đã thực hiện 2.438 cuộc tư vấn pháp luật cho 1.502 người (911 nữ và 591 nam). Trong tổng số 688 trường hợp được giải quyết với hỗ trợ từ tình nguyện viên, 627 trường hợp được giải quyết theo hướng có lợi cho những người được các tình nguyện viên tư vấn.