Tháng 4/2015 – Chị Nguyễn Thị Hằng, một bà mẹ với 2 con đang trong tuổi đến trường, hiện sinh sống tại tỉnh Vĩnh Long thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nơi tỷ lệ hộ nghèo cao trong các cộng đồng dân tộc thiểu số. Trong 14 năm qua, chị kiếm sống nuôi gia đình từ nghề đan giỏ và thảm bằng lục bình.
Trong suốt thời gian đó, chị rất chật vật để kiếm đủ tiền cho gia đình và hi vọng có thêm thu nhập để con chị có điều kiện học tập tốt hơn.
Tháng 3/2014, chị Hằng biết được Dự án Sức sống Mê Kông đang thực hiện chương trình tài chính vi mô theo hình thức tiết kiệm ở làng bên. Dự án tập hợp phụ nữ thành các nhóm nhằm giúp họ tiết kiệm tiền, vay vốn quay vòng và phát triển hoạt động kinh doanh nhỏ. Chị thấy dự án rất hay và đã trở thành thành viên của một ngân hàng nhóm. Là thành viên của nhóm, chị được học kiến thức về tài chính, về hoạt động ngân hàng nhóm và phát triển kinh doanh nhỏ.
Được khích lệ từ dự án và với mong muốn những người phụ nữ quanh mình cũng được học hỏi từ dự án, chị Hằng huy động các chị em và thành lập một ngân hàng nhóm mới ở ngay gần nhà mình mang tên Ngân hàng nhóm Tâm Đắc. Chị được bầu làm trưởng nhóm, một vị trí cao mà chị chưa từng nghĩ tới trước đó.
Với các khóa tập huấn từ dự án, thành viên trong nhóm của chị có thể đọc, viết các số liệu tài chính và tính toán cơ bản. Các thành viên trong nhóm cũng đọc các sách tự học về hoạt động kinh doanh nhỏ do dự án cung cấp. Những buổi họp nhóm là cơ hội để các thành viên chia sẻ với nhau kinh nghiệm và thành công của mình trong việc kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và chăn nuôi.
Chị Hằng giới thiệu với các thành viên trong nhóm nghề làm đồ thủ công của mình và khuyến khích các chị em cải thiện kỹ năng kinh doanh và tìm công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập. Sau đó chị bắt đầu hướng dẫn các thành viên khác trong nhóm đan giỏ và thảm từ lục bình.
“Tôi thấy tự hào và rất vui khi các thành viên tiến bộ từng ngày và họ có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình” chị Hằng chia sẻ.
Tháng 4/2014, chị Hằng vay 2.000.000 đồng từ ngân hàng nhóm mua 50 kg nguyên liệu lục bình để đan được nhiều giỏ và thảm hơn. Hiện tại, chị có thể làm khoảng 120 chiếc giỏ từ lục bình mỗi tuần. Chị còn có thêm thu nhập từ việc bán lục bình tại làng.
Trước đây, chị Hằng kiếm được 100.000 đồng một ngày, hiện tại chị có thể kiếm được từ 600.000 – 1.000.000 đồng một ngày, đủ tiền mua thức ăn và cho con tới lớp học thêm.
“Tôi hi vọng dự án sẽ tiếp tục hỗ trợ chúng tôi trong thời gian dài để phụ nữ chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, hỗ trợ lẫn nhau và tiếp cận được các khoản vay, phát triển kinh doanh ổn định để kiếm sống” chị Hằng nói.
Dự án Sức sống Mê Kông (được thực hiện từ năm 2013 năm đến 2014) là tiền thân của Dự án Sức sống Mê Kông Mở rộng, một dự án tài chính vi mô theo mô hình tiết kiệm kéo dài hai năm do USAID và Quỹ Coca-Cola tài trợ và được thực hiện bởi tổ chức Pact đến tháng 9/2016. Dự án có mục tiêu hỗ trợ khoảng 6.000 phụ nữ tại Vĩnh Long thông qua việc mở rộng mô hình WORTH, một mô hình đoạt giải của Pact về nâng cao vị thế và sinh kế cho phụ nữ.
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.