Tháng 4/2014 -- Chị H’Kem Buôn, một phụ nữ dân tộc thiểu số ở tỉnh Đắc Lắc, nhớ lại những ngày khó khăn của gia đình: họ không kiếm đủ tiền trang trải cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống thường nhật. Thu nhập của cả gia đình chị với bốn đứa con chỉ khoảng 20 triệu đồng một năm, chủ yếu từ việc trồng lúa, ngô trên mảnh đất 1,4 hécta của gia đình. Tài sản lớn nhất của gia đình chị là một ngôi nhà cũ và một chiếc xe máy cũ kỹ.
“Gia đình tôi trước gặp rất nhiều khó khăn. Cả nhà phải làm việc vất vả để kiếm sống mà không đủ tiền ăn, chứ chưa nói đến tiền học hay khám bệnh cho lũ trẻ” chị H’Kem Buôn nói.
Cây ca cao được giới thiệu vào Đắc Lắc từ năm 2007 thông qua dự án Phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ (SUCCESS Alliance) do USAID và các doanh nghiệp đối tác hỗ trợ. Chị Buôn đã tham gia dự án năm 2009 và được nhận miễn phí 300 cây giống. Bên cạnh việc được hướng dẫn các kỹ thuật cần thiết để trồng và chăm sóc cây ca cao, chị còn được học kỹ thuật thu hoạch và sau thu hoạch.
“Lúc đầu tôi không biết kỹ thuật canh tác nên khó lắm, mà cũng không có tiền mua phân bón với thuốc trừ sâu để trồng ca cao” chị H’Kem Buôn cho biết. “Mọi việc ngày càng tốt hơn. Dự án hỗ trợ chúng tôi rất nhiều về tập huấn và kiến thức, cây ca cao lớn nhanh và đã ra trái. Tuần nào tôi cũng thu hoạch trái ca cao và bán lấy tiền chi tiêu cho gia đình. Cả nhà cố gắng làm việc chăm chỉ để trở thành một trong những hộ nông dân giỏi nhất trong vùng, để con cái được học hành tử tế. Cây ca cao đã thay đổi cuộc sống của chúng tôi.”
Với số tiền tiết kiệm từ khoản thu nhập sau mấy năm trồng cây ca cao và các loại cây trồng khác, chị chuẩn bị hoàn thành ngôi nhà mới có giá trị khoảng 500 triệu đồng.
“Nhiều người đến chơi và hỏi tôi về kỹ thuật trồng, cắt tỉa, phòng trừ sâu bệnh và thông tin về thị trường bán sản phẩm. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trồng ca cao để họ cũng có thể cải thiện đời sống. Tôi rất vui khi thấy những vườn ca cao khác trong vùng phát triển tốt và mọi người có thu nhập khá từ cây ca cao. Tôi ước nhà mình sẽ thành trung tâm thông tin về cây ca cao để người dân địa phương có thể thảo luận về kỹ thuật trồng cây ca cao và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu.”
Từ năm 2009, thông qua dự án SUCCESS Alliance, USAID đã giúp tăng thu nhập cho 5.000 hộ trồng cây ca cao mới ở Tây Nguyên, qua đó giúp tăng triển vọng có thu nhập ổn định lâu dài cho những người thuộc nhóm nghèo nhất cả nước. Dựa trên thành công của mô hình trồng cây ca cao giảm nghèo, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch tổng thể tiến tới đạt 50.000 héc ta trồng cây ca cao và xuất khẩu ca cao với giá trị từ 67-75 triệu đô la Mỹ vào năm 2020.
Dự án SUCCESS Alliance ở Tây Nguyên được xây dựng dựa trên thành công của chương trình trồng ca cao do Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ/USAID triển khai năm 2004 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh phía Nam. Chương trình này đã đặt nền móng cho cây ca cao, một cây trồng mới, và ngành công nghiệp chế biến ở Việt Nam. Từ năm 2007, với nguồn ngân sách từ USAID, vốn đối ứng của tập đoàn Mars, và cộng tác kỹ thuật từ Hiệp hội Cacao Thế giới (WCF) cùng các đối tác là các doanh nghiệp trong nước và quốc tế khác, trên 5.000 hộ nông dân Tây Nguyên ở tỉnh Đắc Lắc và Lâm Đồng, trong đó 60% là người dân tộc thiểu số, đã được tập huấn thường xuyên về kỹ thuật trồng cây ca cao và áp dụng kỹ thuật trồng xen canh.
Dự án Dự án SUCCESS Alliance và dự án tiếp nối là dự án Phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ (kết thúc vào tháng 4/2014) cũng đã hướng dẫn cho các chủ vườn ươm và xưởng lên men ca cao đảm bảo chất lượng hạt ca cao đồng thời xây dựng năng lực quản lý và kỹ thuật cho địa phương nhằm đảm bảo yếu tố bền vững về kinh tế và môi trường.
Links
Follow @USAIDVietnam, on Faceboook, on Flickr, on YouTube
Comment
Make a general inquiry or suggest an improvement.