Nhà khoa học Việt Nam đam mê đóng góp cho đa dạng sinh học biển ở đồng bằng sông Cửu Long

Lặn lội tìm kiếm ở các khu chợ địa phương để nghiên cứu về các loài cá không phải là điều mà Tiến sĩ Đặng Thúy Bình ban đầu từng mong muốn. Chị từng mơ ước trở thành một phóng viên, tuy nhiên sau đó đã theo học ngành sinh học theo mong muốn của mẹ, một lĩnh vực mà sau này chị đã có đam mê lớn, đặc biệt là đối với lĩnh vực bảo tồn và đa sạng sinh học biển.

Mặc dù vậy, phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Phụ nữ thường được mong muốn dành nhiều thời gian cho công việc nhà cũng như chăm sóc gia đình hơn là những công việc xã hội. Phụ nữ thường bị hạn chế về sức khỏe do phải sinh nở và chăm sóc con cái.

“Là phụ nữ, tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn khi theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu. Tôi phải cố gắng hết sức đẻ cân bằng giữa gia đình và công việc,” chị Bình chia sẻ. Chị cũng cho biết thêm rằng ở Việt Nam những cản trở trong môi trường làm việc đối với một người phụ nữ cũng không hề nhỏ. “Để theo đuổi công việc, tôi phải làm việc nhiều hơn, phải tạm quên đi những khó khăn về kinh tế, học tập ngoại ngữ để tìm kiếm cơ hội học tập, cũng như tham gia các dự án quốc tế.”

Giờ đây, sau 15 năm, chị là một nhà nghiên cứu và giảng viên tại Đại học Nha Trang. Người ta có thể dễ dàng bắt gặp chị ở một nơi nào đó dọc hai bờ sông Cửu Long khi chị đang tìm hiểu về các loài cá hoặc giảng dạy môn Tiến hóa và Đa dạng sinh học cho sinh viên Việt Nam và quốc tế. Chị là một trong số ít nhà khoa học nữ tại Viện Công nghệ Sinh học và Môi trường thuộc Đại học Nha Trang (Khánh Hòa). Với vai trò là Phó giám đốc Viện, chị đã chủ trì hoặc tham gia  nhiều dự án quốc tế và có đóng góp đáng kể cho lĩnh vực đa dạng sinh học biển.

Tiến sĩ Đặng Thúy Bình (đứng giữa) và đối tác nghiên cứu là giáo sư người Hoa Kỳ đang thảo luận tại một khu chợ cá.
Tiến sĩ Đặng Thúy Bình (đứng giữa) và đối tác nghiên cứu là giáo sư người Hoa Kỳ đang thảo luận tại một khu chợ cá.
(Ảnh do Tiến sĩ Bình cung cấp)

Dự án hiện tại của chị là nghiên cứu cấu trúc và sự kết nối quần thể của các loài cá đại diện cho các khu hệ sinh thái (lưu vực sông, vùng của sông và vùng ven biển), từ đó cho phép đánh giá về ảnh hưởng của việc thay đổi điều kiện môi trường tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long do thay đổi điều kiện thuỷ văn từ việc hình thành các dự án xây đập ở thượng nguồn, do biến đổi khi hậu và do sự phát triển nông nghiệp và công nghiệp. Dự án nghiên cứu này được tài trợ từ Chương trình Đối tác Thúc đẩy Tham gia Nghiên cứu khoa học (PEER) do USAID và Hội Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ tài trợ.

Mục tiêu của dự án do Chương trình PEER hỗ trợ mà trong đó Tiến sĩ Bình là chủ nhiệm dự án là nghiên cứu trên đối tượng thủy sản đại diện cho hàng loạt các thay đổi tiềm ẩn có thể xảy ra cho sự kết nối giữa các quần thể cá ở phía Bắc và phía Nam của dòng chảy sông Mê Kong, đồng thời cũng ảnh hưởng đến khu vực cửa sông, và xa hơn nữa ở thượng nguồn.  Những thông tin này có thể được sử dụng như nguồn dữ liệu đầu vào trong việc quản lý môi trường và nguồn lợi, cụ thể như thiết lập các vùng quản lý và xây dựng các chiến lược về bảo tồn đa dạng sinh học.

“Tôi rất vui  được đóng góp một phần nhỏ bé của mình vào việc nghiên cứu đa dạng sinh học, điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý nguồn lợi và phát triển du lịch không chỉ ở Việt Nam mà cả khu vực Đông Nam Á ” Tiến sĩ Bình cho biết.

Issuing Country 
Date 
Thứ Ba, Tháng ba 4, 2014 - 10:15pm